Wednesday, January 7, 2009

Chợ Cẩm Thạch và Đồ Cổ Đài Loan

Hôm nay Chúa nhật 29 tháng 5, ăn sáng xong tôi quyết định đi chợ đồ cổ và cẩm thạch Đài bắc. Từ khách sạn, taxi chạy chưa tới 10 phút, tốn gần 100 đài loan tệ ($ 3.50 dollars). Lên tới nơi vẫn còn sớm, chưa tới 10 giờ. Các gian hàng cẩm thạch đang bắt đầu bày biện, đủ vòng, đủ nhẩn, đủ bông tai, màu xanh chóng ngợp cả chợ. Tiếng xi xô ầm ỉ, người Tàu thường ăn to nói lớn, đứng ngoài không biết cứ tưởng họ đang cải lộn. Tôi đi tới đi lui, rảo nát cả chợ mà chẳng mua được gì vừa ý, trong bụng cứ sốt cả lên, vì hai ngày vừa qua sinh nhật Vợ, không có món quà khó ăn khó nói. Cẩm thạch Vợ tôi không thích, trông có vẻ vừa già, vừa giống Tàu. Thấy đôi bông tai hay hay cũng muốn hỏi mà sợ thách trên trời dưới đất. Mở miệng nói tiếng Anh lập tức nâng giá lên gấp ba gấp bốn, trả giá không phải nghề của đàn ông.



Tôi bỏ qua khu bán đổ cổ, cũng chung một khu phố. Đồ giả cổ bày la liệt trong nhà, ngoài đường. Ở đây 95% toàn là đồ giả, may mắn lắm mới thấy được một món thiệt. Mấy thứ đồ thiệt làm bằng sắt, bằng đồng vài chục năm trở lại chẳng đáng gọi là cổ. Riêng cái bình, cái bát đời Minh, đời Tống đồ giả ê hề, không quen mắt, thiếu kinh nghiệm tiền mất tật mang như chơi. Năm ngoái ghé khu này, thay vì mua đồ Tàu tôi lại mua được đồ cổ Chu Đậu. Anh chàng người Thái lặn lội đem mớ hàng từ Thái qua, vừa cổ Thái, cổ Việt. Tôi hỏi thăm hàng lấy ở đâu? anh tình thiệt cho biết qua tận Sàigon mua đem về, nên bán sát giá. Cái bình đựng phấn, hình lục giác vớt lên từ tàu cổ chìm ở vùng biển Hội An anh kêu giá $150.00 dollars. Kỳ kèo, tôi cũng mua được vài món. Lần này có ý tìm mà không thấy anh chàng, nên chẳng mua được món hàng nào.

Tôi không khoái cổ Tàu. Mấy năm trước trời xui đất khiến làm quen với đổ cổ Việt Nam. Từ đó bị mê, có dịp đi xa tôi hay lang thang ở bảo tàng viện, hoặc tiệm bán đồ cổ để coi có món nào của Việt Nam. Thỉnh thoảng cũng gặp được cái dĩa đời Lý, cái chung rượu đời Trần, nhiều nhất thường gốm Chu Đậu. Đi xa xứ mà gặp đồ cổ nước mình không biết nói sao, vui buồn lẫn lộn. Tôi ước có dịp đi Thổ Nhĩ Kỳ một chuyến, đến bảo tàng viện Istabul thăm cái bình Chu Đậu tuyệt tác thế kỷ 15, khắc chữ Bùi Thị Hý Bút, sản xuất tại Hải Dương.

Hồi chồng còn tại chức, bà Marcos, vợ tổng thống Phi Luật Tân có sở hửu cặp bình rượu hình con gà cực kỳ đẹp và hiếm, thuộc gốm Chu Đậu. Sau khi bị mất quyền, hình như đồ này lọt về tay dân sưu tầm khác. Người mình lắm kẻ giàu tiền, nhưng giàu đồ cổ Việt đếm trên đầu ngón tay. Không hiểu tại sao? tâm lý vọng ngoại hay tâm lý giàu tiền sướng hơn giàu vật.

Đài Loan, tháng 5 năm 2005


No comments:

Post a Comment